Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 28/1 - 1/2
TIN LIÊN QUAN | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 31/1 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 30/1 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 29/1 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 28/1 |
Tổng quan
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 1/2019 tăng 0,1% so với tháng cuối cùng của năm 2018, tăng 2,56% so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu tiêu dùng chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán đã khiến ba nhóm hàng đồ uống và thuốc lá, hàng ăn và dịch vụ ăn uống, và may mặc tăng, kéo CPI tháng 1 tăng lần lượt là 0,69%, 0,66% và 0,39%.
Tổng cục Thống kê đánh giá, tháng 1/2019 là tháng giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi nên nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng hơn các tháng trước. Tuy nhiên, CPI tháng 1/2019 chỉ tăng nhẹ do lượng hàng hóa chuẩn bị cho dịp Tết dồi dào.
Bên cạnh đó, nhu cầu đi lại và bảo dưỡng phương tiện cuối năm tăng nên giá dịch vụ giao thông công cộng và bảo dưỡng phương tiện cũng lần lượt tăng 0,3% và 0,61% so với tháng 12.
Ngoài ra, còn do ngày 1/1/2019 giá gas điều chỉnh tăng 4.000 đồng/bình 12 kg và thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng tăng 1.000 đồng/lít; dầu diezel tăng 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn tăng 1.100 đồng/lít; dầu hỏa tăng 700 đồng/lít.
Các chuyên gia cũng nhận định, CPI tháng 1 là tín hiệu đối với CPI tháng 2. Nhìn chung, tháng 2 có một số đặc điểm khác biệt so với các tháng còn lại trong năm. Trong tháng 2 có Tết Nguyên đán, nhu cầu ăn uống cao hơn về số món ăn, lượng lương thực - thực phẩm... nhiều hơn ngày thường, người dân đi lại nhiều, giá dịch vụ giao thông tăng cao hơn tốc độ chung và tăng cao hơn các tháng khác trong năm.
Tết Nguyên đán còn là thời gian đi du lịch trong và ngoài nước, chi phí vận tải tăng. Sau Tết Nguyên đán thường có nhiều lễ hội, cũng làm cho chi phí vận tải và nhiều chi phí khác đi theo lễ hội tăng cao.
Như vậy, có thể dự báo, CPI tháng 2 sẽ cao hơn tháng 1 (năm 2018 tháng 1 tăng 0,46%, tháng 2 tăng 0,73%). Một số hàng hóa, dịch vụ cụ thể giá có thể tăng cao hơn tốc độ chung và cao hơn tốc độ tăng của tháng 1.
Về thương mại, theo Tổng cục Thống kê, tháng 1/2019 ước tính cả nước nhập siêu 800 triệu USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 2,6 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 1,8 tỷ USD.
Về xuất khẩu, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 1/2019 ước tính đạt 20 tỷ USD, tăng 1,9% so với tháng cuối cùng của năm 2018, tuy nhiên lại giảm 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 6,42 tỷ USD, giảm 0,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 13,58 tỷ USD, tăng 3,2%. So với cùng kỳ năm ngoái, điện thoại và linh kiện đạt 2,9 tỷ USD, giảm 27,5%, đây là nguyên nhân chính khiến kim ngạch xuất khẩu tháng 1 giảm.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 1/2019 ước tính đạt 20,8 tỷ USD, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,05 tỷ USD, tăng 3,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 11,75 tỷ USD, tăng 0,7%.
Nhập siêu trở lại trong tháng đầu năm mới được lý giải là do kim ngạch xuất khẩu thấp hơn cùng kỳ, trong khi nhu cầu nhập khẩu hàng hoá phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi tăng cả về lượng và giá trị, kéo theo cán cân thương mại thâm hụt. Nhập siêu trở lại dường như cũng trùng với các dự báo đưa ra cách đây ít ngày của Bộ Công Thương.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, năm nay nhu cầu nhập khẩu dự kiến tăng cao do xuất khẩu được dự báo tiếp tục duy trì tăng trưởng ở những ngành hàng mà nước ta còn phụ thuộc vào nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, linh kiện phụ tùng của nước ngoài.
Ngoài ra, trong năm nay và các năm tiếp theo, với việc thực thi các FTA và các hiệp định lớn như CPTPP và EVFTA, sẽ tạo ra làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam của các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tận dụng cơ hội từ hai thị trường này. Vì vậy, việc nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị phục vụ cho các dự án và mua nguyên vật liệu cho sản xuất sẽ gia tăng.
Liên Bộ Công Thương - Tài chính vừa quyết định tăng mức xả Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để giữ ổn định giá bán lẻ các mặt hàng xăng, dầu trong nước trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Cụ thể, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu với xăng E5RON92 là 1.673 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 1.462 đồng/lít); với xăng RON95 là 825 đồng/lít (kỳ trước 645 đồng/lít); với dầu diesel là 1.003 đồng/lít (kỳ trước 430 đồng/lít); với dầu hỏa là 652 đồng/lít (kỳ trước 295 đồng/lít); và với dầu mazut là 1.196 đồng/kg (kỳ trước 583 đồng/kg).
Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn: xăng E5RON92: 16.272 đồng/lít; xăng RON95-III: 17.603 đồng/lít; dầu diesel 0.05S: 14.909 đồng/lít; dầu hỏa: 14.185 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S: 13.275 đồng/kg.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ tuần từ 28/1 - 1/2, sau khi giảm mạnh tỷ giá trung tâm trong phiên đầu tuần, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỷ giá giảm trở lại. Chốt tuần 1/2, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 22.868 VND/USD, giảm 12 đồng so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá mua giao ngay được Ngân hàng Nhà nước duy trì niêm yết ở mức 23.200 VND/USD. Tỷ giá bán ra được niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, phiên cuối tuần ở mức 23.504 VND/USD.
Tỷ giá liên ngân hàng gần như không biến động trong tuần vừa qua. Chốt tuần 1/2, tỷ giá giao dịch ở mức 23.200 VND/USD, không thay đổi so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục biến động tăng/giảm nhẹ qua các phiên trong tuần vừa qua. Kết thúc ngày 1/2, tỷ giá tăng 20 đồng ở chiều mua vào và 30 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch ở mức 23.220 VND/USD - 23.250 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần vừa qua, lãi suất liên ngân hàng VND tăng mạnh trong các phiên đầu tuần rồi giảm dần trở lại ở tất cả các kỳ hạn. Chốt tuần 1/2, lãi suất giao dịch quanh mức: qua đêm 4,84% (+0,11 điểm phần trăm); 1 tuần 4,84% (+0,04 điểm phần trăm); 2 tuần 5,0% (+0,12 điểm phần trăm); 1 tháng 5,11% (+0,03 điểm phần trăm).
Lãi suất liên ngân hàng đối với USD tiếp tục biến động nhẹ qua các phiên trong tuần qua ở tất cả các kỳ hạn. Cuối tuần 01/02, lãi suất đứng ở mức: qua đêm 2,50% (không thay đổi); 1 tuần 2,58% (không thay đổi), 2 tuần 2,70/% (+0,02 điểm phần trăm) và 1 tháng 2,83% (không thay đổi).
Thị trường mở tuần từ 28/1 - 1/2, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 72.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố, phiên đầu tuần kỳ hạn 21 ngày và giảm xuống kỳ hạn 14 ngày các phiên còn lại trong tuần, lãi suất không thay đổi ở mức 4,75%. Các tổ chức tín dụng này.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 52.284 tỷ đồng ra thị trường thông qua nghiệp vụ cầm cố trong tuần vừa qua, đưa khối lượng lưu hành trên kênh này tăng lên mức 152.619 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu trong tuần, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 5.949/6.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ gọi thầu. Trong đó, khối lượng huy động thành công chủ yếu ở kỳ hạn 10 năm là 4.500 tỷ đồng; lãi suất trúng thầu 4,8%/năm, giảm 4 điểm so phiên trước. Khối lượng trúng thầu kỳ hạn 5 năm và 20 năm lần lượt là 1.000 tỷ đồng và 449 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu giảm nhẹ lần lượt 2 điểm và 1 điểm so phiên trước.
Thị trường chứng khoán tuần qua chứng kiến sự giằng co qua các phiên của cả 2 chỉ số. Chốt tuần 1/2, VN-Index đứng ở mức 908,67 điểm, giảm nhẹ 0,21 điểm (-0,02%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng nhẹ 0,60 điểm (+0,58%), lên mức 103,34 điểm.
Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp với giá trị giao dịch ở trên 3.500 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại mua ròng tuần thứ 3 liên tiếp gần 496 tỷ đồng trên cả 2 sàn trong cả tuần qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Trên thị trường tài chính quốc tế, Fed quyết định không tăng lãi suất chính sách trong cuộc họp định kỳ vừa qua, mức lãi suất chính sách duy trì tại 2,25 - 2,5%. Bên cạnh đó, tổ chức này đưa ra thông điệp về lộ trình tăng lãi suất “kiên nhẫn” và một bảng cân đối linh hoạt.
Cuộc đàm phán thương mại của Mỹ và Trung Quốc cũng diễn ra tại Washington trong tuần vừa qua. Kết quả lần này không mấy tích cực khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết chỉ có những thỏa thuận khi gặp mặt trực tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Thị trường kỳ vọng về một cuộc tái đàm phán vào cuối tháng 2, trước khi thỏa thuận đình chiến chính thức hết hiệu lực.
Trong tuần, cả ba nền kinh tế lớn bao gồm Mỹ, Eurozone và Trung Quốc đều ghi nhận những thông tin kinh tế tiêu cực, đặc biệt là Eurzone với việc tăng trưởng GDP giảm tốc và Trung Quốc với lĩnh vực sản xuất liên tục thu hẹp trong thời gian gần đây.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc PBoC và chính phủ nước này đã đưa ra những biện pháp tạm thời trong tháng 1 để hỗ trợ tình hình trong khi ECB và Ủy ban châu Âu EC vẫn chưa có những phản ứng cụ thể.