Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 30/9-4/10
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 3/10 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 2/10 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 1/10 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 30/9 |
Tổng quan
Thị trường dầu mỏ thế giới đang trải qua những ngày biến động mạnh, nhu cầu cũng như giá dầu đều được dự báo giảm trong năm nay và 2020.
Vụ một số cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia bị tấn công vào ngày 14/9/2019 khiến sản lượng của nước này giảm một nửa (khoảng 5,7 triệu thùng/ngày), tương đương mất khoảng 5% nguồn cung dầu mỏ toàn cầu.
Cú sốc đó khiến giá dầu phiên liền sau tăng mạnh 20% bởi lo sợ thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu. Mặc dù phiên tiếp theo thị trường điều chỉnh khiến giá quay đầu giảm khoảng 7%, nhưng tuần 14-21/9 (tuần đầu tiên sau vụ khủng bố) đã chứng kiến giá dầu tăng mạnh nhất trong vòng nhiều tháng.
Tuy nhiên, xu hướng tăng không kéo dài. Chỉ vài ngày sau, giá quay đầu giảm nhanh khi Saudi Arabia đảm bảo cung cấp đủ dầu cho thị trường và sẽ nhanh chóng khôi phục sản lượng như trước khi bị tấn công và nhiều quốc gia tuyên bố xem xét mở kho dầu dự trữ chiến lược, trong đó có Mỹ.
Tuần cuối tháng 9 và những ngày đầu tháng 10, giá dầu vẫn tiếp tục giảm mạnh. Cụ thể, giá dầu tiếp tục giảm tới gần 4% trong tuần từ 23-27/9; và giảm gần 6% tuần vừa qua.
Theo các chuyên gia, cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đang là trở ngại lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, vì vậy, các tổ chức quốc tế gần đây liên tiếp đưa ra những dự báo bi quan về nhu cầu dầu mỏ thế giới.
Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ EIA hồi đầu tháng 9/2019 dự báo mức tăng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng chậm lại, còn 890.000 thùng/ngày trong năm 2019 (thấp hơn 110.000 thùng so với dự báo trước đây) và 1,4 triệu thùng/ngày trong năm 2020 (thấp hơn 30.000 thùng/ngày so với dự báo trước). Nếu dự báo này chính xác, năm 2019 sẽ là lần đầu tiên kể từ 2011 mà nhu cầu dầu thế giới tăng dưới 1 triệu thùng mỗi ngày.
Cơ quan Năng lượng quốc tế IEA ngày 11/9/2019 cũng hạ dự báo về triển vọng nhu cầu năng lượng do vận tải hàng hóa trên toàn cầu giảm sút. Theo đó, tổng nhu cầu nhiên liệu vận tải sẽ chỉ tăng 0,4% trong năm 2019 và tăng 3,7% trong năm 2020.
Cùng thời điểm, OPEC cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm nay giảm 80.000 thùng/ngày xuống mức 1,02 triệu thùng/ngày do tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại trong nửa đầu năm và dự báo còn tiếp tục chậm trong nửa cuối năm.
Tương tự, tổ chức này cũng hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm 2020 60,000 thùng/ngày so với dự báo trước đó, xuống mức 1,08 triệu thùng/ngày.
Các tổ chức trên thế giới cũng giảm dự báo giá dầu trong năm nay cũng như 2020. Morgan Stanley hồi cuối tháng 8/2019 hạ dự báo về giá dầu từ nay tới cuối năm với lý do triển vọng kinh tế trở nên ảm đạm hơn khiến nhu cầu dầu thấp xuống và mức tăng sản lượng dầu đá phiến có thể xóa tan nỗ lực của OPEC trong việc đẩy giá lên.
Theo ngân hàng này, giá dầu Brent trung bình năm 2019 sẽ chỉ ở mức 60 USD/thùng, thấp hơn mức 65 USD dự báo trước đây, và giá dầu WTI trong quý 3 và 4 năm 2019 sẽ chỉ còn 55 USD, từ mức 58 USD dự báo trước đây.
Citigroup Inc. cũng có chung nhận định như ngân hàng trên, cho rằng tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2019 sẽ còn thấp hơn con số mà EIA dự đoán. Citigroup cho rằng giá dầu Brent trung bình trong quý 4 năm nay sẽ ở mức 64 USD/thùng, sau đó giảm còn 53 USD vào cuối 2020.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 30/9 - 4/10, tỷ giá trung tâm tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng - giảm nhẹ qua các phiên. Chốt tuần 4/10, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.159 VND/USD, chỉ giảm 1 đồng so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá mua giao ngay vẫn được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.200 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, phiên cuối tuần ở mức 23.804 VND/USD.
Tỷ giá liên ngân hàng trong tuần qua tiếp tục biến động nhẹ quanh mức tỷ giá mua của Ngân hàng Nhà nước. Kết thúc phiên cuối tuần 4/10, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.202 VND/USD, không thay đổi so với phiên cuối tuần trước đó.
Tuần vừa qua, tỷ giá trên thị trường tự do không biến động, giao dịch tại 23.180 - 23.210 VND/USD ở cả 5 phiên trong tuần.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ 30/9 - 4/10, lãi suất liên ngân hàng VND tăng trở lại khá mạnh qua 4 phiên đầu tuần, tuy nhiên giảm nhẹ vào phiên cuối tuần. Chốt tuần 4/10, lãi suất liên ngân hàng VND giao dịch quanh mức: qua đêm 2,25% (+0,08 điểm phần trăm); 1 tuần 2,50% (+0,04 điểm phần trăm); 2 tuần 2,68% (+0,08 điểm phần trăm); 1 tháng 3,13% (+0,06 điểm phần trăm).
Lãi suất liên ngân hàng USD biến động tăng - giảm qua các phiên ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống trong tuần vừa qua. Cuối tuần 4/10, lãi suất đứng ở mức qua đêm 2,06% (-0,02 điểm phần trăm); 1 tuần 2,18% (không thay đổi), 2 tuần 2,28% (-0,05 điểm phần trăm) và 1 tháng 2,43% (-0,01 điểm phần trăm).
Thị trường mở tuần từ 30/9 - 4/10, Ngân hàng Nhà nước tăng chào thầu tín phiếu lên mức 87.000 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 2,50%. Các tổ chức tín dụng hấp thụ được gần như toàn bộ khối lượng này. Trong tuần có 69.000 tỷ đồng đáo hạn trên kênh này.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 18.000 tỷ đồng từ thị trường, đưa khối lượng tín phiếu tăng lên mức 87.000 tỷ đồng.
Trên kênh cầm cố, Ngân hàng Nhà nước đều đặn chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trong cả 5 phiên tuần qua với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất ở mức 4,50%/năm. Tuy nhiên không có khối lượng trúng thầu.
Thị trường trái phiếu trong tuần từ 30/9 - 4/10, có hai tổ chức tham gia gọi thầu là Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng Chính sách xã hội huy động toàn bộ 4.880 tỷ đồng (tỷ lệ trúng thầu là 85%). Tỷ lệ đặt thầu/gọi thầu ở mức 2,4 lần.
Ngày 30/9, Ngân hàng Chính sách xã hội huy động thành công toàn bộ 880 tỷ đồng trái phiếu chính phủ bảo lãnh gọi thầu, kỳ hạn 15 năm. Lãi suất trúng thầu ở mức 4,7%/năm - tăng nhẹ 5 điểm so với phiên trước đó.
Ngày 2/10, là Kho bạc Nhà nước huy động thành công toàn bộ 4.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu ở các kỳ hạn từ 5 năm đến 20 năm. Trong đó, khối lượng phát hành các kỳ hạn 5 năm và 20 năm là 500 tỷ đồng mỗi kỳ hạn; các kỳ hạn 10 năm và 15 năm là 1.500 tỷ đồng mỗi kỳ hạn. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn lần lượt tại 2,89%/năm (-0,26% so với phiên trước), 3,98%/năm (+0,01%), 4,25%/năm (+0,01%) và 4,88%/năm (-0,02%).
Giá trị giao dịch Outright và Repos trung bình trên thị trường tuần qua đạt 8.099 tỷ đồng/phiên, giảm khá mạnh so mức trên 10.466 tỷ đồng/phiên tuần trước đó.
Lợi suất trái phiếu chính phủ nhìn chung có xu hướng giảm nhẹ. Cụ thể, lợi suất trái phiếu chính phủ phiên cuối tuần 4/10 giao dịch quanh: 1 năm 2,72% (+0,01 điểm phần trăm); 2 năm 2,79% (-0,01 điểm phần trăm); 3 năm 2,88% (-0,04 điểm phần trăm); 5 năm 3,01% (+0,01 điểm phần trăm); 7 năm 3,65% (-0,02 điểm phần trăm); 10 năm 4% (-0,02 điểm phần trăm); 15 năm 4,26% (-0,02 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán tuần qua, VN-Index vẫn chưa thể vượt qua được ngưỡng kháng cứ mạnh 1.000 điểm, đồng thời dòng vốn vào thị trường vẫn ở mức thấp, khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh. Chốt phiên cuối tuần 4/10, VN-Index đứng ở mức 987,59 điểm, giảm 10,25 điểm (-1,03%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 0,39 điểm (+0,37%), lên mức 105,16 điểm; UPCOM-Index giảm 0,01 điểm (-0,02%) xuống 56,93 điểm.
Thanh khoản thị trường không cải thiện so với tuần trước đó với tổng giá trị giao dịch trên 4.300 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh hơn 1.047 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cảnh báo thương mại, song vẫn cho phép Mỹ đánh thuế EU, nước Anh đang chạy nước rút cho thỏa thuận Brexit là những vấn đề chính được thế giới quan tâm tuần qua.
Cụ thể, WTO tuần qua hạ dự báo tăng trưởng thương mại năm 2019 xuống mức 1,2% từ mức 2,6% theo dự báo ra tháng 4/2019, kém xa mức tăng trưởng 3,0% năm 2018.
Tuy nhiên, cũng chính WTO cho phép Mỹ đánh thuế trừng phạt trị giá 7,5 tỷ USD đối với EU theo việc EU đã tài trợ Airbus trong việc cạnh tranh với Boeing. Ngay sau đó, hai nền kinh tế này đã có những động thái áp thuế nhằm vào các mặt hàng và các công ty của nhau.
Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson công bố chi tiết về 5 thay đổi chính mà ông đã chuẩn bị cho một thỏa thuận Brexit mới, trong đó có điều quan trọng có khả năng thay thế cho việc lập rào chắn cứng tại biên giới giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland. Bản dự thảo này của ông Johnson cần được Cộng hòa Ireland, Ủy ban Châu Âu EC và Quốc hội Anh thông qua để chính thức có hiệu lực.
Trong tuần này, thế giới chờ đợi liệu cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có diễn ra vào ngày 10/10 như CNBC đã đưa tin hay không, và kết quả cuộc đàm phán liệu có tích cực khi Mỹ đả kích thương mại Trung Quốc trong những ngày cuối tháng 9.