Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 7-11/10
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 10/10 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 9/10 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 8/10 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 7/10 |
Tổng quan
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan vừa công bố, mặc dù kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu tháng 9/2019 đều sụt giảm so với tháng trước đó, với xuất khẩu giảm mạnh hơn nhập khẩu, nhưng xuất siêu lại cao hơn nhiều ước tính được đưa ra hồi cuối tháng 9.
Cụ thể, trong tháng 9/2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt gần 23,36 tỷ USD, giảm tới 9,8% so với tháng trước đó. Có tới 39/46 nhóm mặt hàng xuất khẩu sụt giảm kim ngạch so với tháng 8.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2019 đạt gần 21,75 tỷ USD, giảm 3,1% so với tháng trước đó, do hầu hết các nhóm hàng nhập khẩu có kim ngạch lớn đều giảm trong tháng qua.
Như vậy, trong tháng 9/2019, cả nước duy trì xuất siêu tới 1,61 tỷ USD, cao hơn nhiều so với con số ước tính chỉ 0,5 tỷ USD trong Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê công bố ngày 28/9 vừa qua.
Từ đầu năm đến nay, đây là tháng thứ 6 cán cân thương mại ghi nhận tình trạng xuất siêu, tháng 9/2019 là tháng thứ tư liên tiếp xuất siêu.
Lũy kế đến hết tháng 9/2019, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 194,65 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu tương ứng đạt trên 187,5 tỷ USD và cùng tăng 8,4%. Cán cân thương mại hàng hóa ghi nhận xuất siêu gần 7,15 tỷ USD, gần tương đương với mức của cả năm 2018.
Từ số liệu của Tổng cục Hải quan, ta thấy, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng năm 2019 đạt quy mô lớn nhất so với cùng kỳ từ trước đến nay, đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá...
Đồng thời, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu với mức 8,2% đã cao hơn cận trên của tốc độ tăng theo mục tiêu của Quốc hội đặt ra cho cả năm 2019 (7-8%).
Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu của khu vực trong nước cũng tăng trưởng tốt với 16,4%, trong tốc độ này của khi khu vực FDI chỉ đạt 5%.
Trong 46 nhóm mặt hàng chủ yếu trong báo cáo, có 28 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 8 đạt trên 5 tỷ USD, 5 mặt hàng vượt qua mốc 10 tỷ USD và 3 mặt hàng đạt trên 20 tỷ USD.
Tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu xuất khẩu, các chuyên gia cũng cảnh báo những vấn đề như tỷ trọng hàng gia công, lắp ráp vẫn còn lớn, kể cả một số hàng xuất khẩu do khu vực FDI thực hiện; tỷ trọng của khu vực FDI tuy giảm xuống, nhưng vẫn còn rất lớn (69,3%); thời gian qua, tăng trưởng xuất khẩu hầu hết các nông, thủy sản chủ yếu bị sụt giảm, trong đó có loại giảm sâu (như gạo, cà phê, hạt tiêu,...).
Ngoài ra, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung còn bất định, nhiều quốc gia thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, hạ giá mạnh đồng tiền, chính sách nhập khẩu thay đổi, tại Việt Nam, nguy cơ bị lợi dụng để gian lận xuất xứ hàng hóa... là những thách thức đến hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 7-11/10, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh biến động tăng - giảm nhẹ qua các phiên. Chốt tuần 11/10, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.154 VND/USD, giảm 5 đồng so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá mua giao ngay vẫn được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.200 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, phiên cuối tuần ở mức 23.799 VND/USD.
Tỷ giá liên ngân hàng trong tuần qua gần như không biến động. Kết thúc phiên cuối tuần 11/10, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.200 VND/USD, giảm nhẹ 2 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tương tự tuần trước đó, tuần vừa qua, tỷ giá trên thị trường tự do biến động rất ít, chỉ giảm 10 đồng ở chiều bán ra trong khi giữ nguyên ở chiều mua vào, giao dịch tại 23.180 - 23.200 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ 7-11/10, lãi suất liên ngân hàng VND giảm ở tất cả các kỳ hạn trong cả 5 phiên. Chốt tuần 11/10, lãi suất liên ngân hàng VND giao dịch quanh mức: qua đêm 1,93% (-0,32 điểm phần trăm); 1 tuần 2,12% (-0,38 điểm phần trăm); 2 tuần 2,38% (-0,30 điểm phần trăm); 1 tháng 2,72% (-0,41 điểm phần trăm).
Lãi suất liên ngân hàng USD biến động tăng - giảm qua các phiên ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống trong tuần vừa qua. Cuối tuần 11/10, lãi suất đứng ở mức qua đêm 2,04% (-0,02 điểm phần trăm); 1 tuần 2,16% (-0,02 điểm phần trăm), 2 tuần 2,31% (+0,03 điểm phần trăm) và 1 tháng 2,48% (+0,05 điểm phần trăm).
Thị trường mở tuần từ 7-11/10, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 90.000 tỷ đồng tín phiếu với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 2 phiên đầu tuần ở mức 2,50%, các phiên sau giảm xuống mức 2,25%. Các tổ chức tín dụng hấp thụ được gần như toàn bộ khối lượng này. Trong tuần có 87.000 tỷ đồng đáo hạn trên kênh này, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường tăng lên mức 90.000 tỷ đồng.
Trên kênh cầm cố, Ngân hàng Nhà nước vẫn chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trong cả 5 phiên tuần qua với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất ở mức 4,50%/năm. 4 phiên đầu tuần không có khối lượng trúng thầu, chỉ phiên cuối tuần có 495 tỷ đồng trúng thầu.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 2.504 tỷ đồng từ thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở trong tuần qua.
Thị trường trái phiếu trong tuần từ 7-11/10, Kho bạc Nhà nước huy động được 4.190/4.250 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 99%). Trong đó, kỳ hạn 7 năm huy động được 440/500 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm và 15 năm huy động được toàn bộ 1.500 tỷ đồng/mỗi loại, kỳ hạn 30 năm huy động được 750 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 7 năm tăng nhẹ 3 điểm, trong khi các kỳ hạn còn lại giảm từ 2 - 4 điểm tùy từng kỳ hạn.
Trên thị trường thứ cấp, giá trị giao dịch Outright và Repos trung bình tuần qua đạt 6.954 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh so mức gần 8.100 tỷ đồng/phiên tuần trước đó.
Lợi suất trái phiếu chính phủ tiếp tục xu hướng giảm. Cụ thể, lợi suất trái phiếu chính phủ phiên cuối tuần 11/10 giao dịch quanh: 1 năm 2,62% (-0,1 điểm phần trăm); 2 năm 2,7% (-0,09 điểm phần trăm); 3 năm 2,81% (-0,06 điểm phần trăm); 5 năm 2,94% (-0,07 điểm phần trăm); 7 năm 3,62% (-0,03 điểm phần trăm); 10 năm 3,94% (-0,06 điểm phần trăm); 15 năm 4,17% (-0,09 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán tuần qua, các chỉ số đều biến động nhẹ quanh mốc tham chiếu. Chốt phiên cuối tuần 11/10, VN-Index đứng ở mức 991,84 điểm, tăng nhẹ 4,25 điểm (+0,43%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 0,10 điểm (+0,10%), lên mức 105,26 điểm; UPCOM-Index tăng 0,04 điểm (+0,07%) lên 56,97 điểm.
Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp tương tự tuần trước đó với tổng giá trị giao dịch trên 4.300 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 274 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Kết thúc đàm phán kéo dài hai ngày 10-11/10 trong tuần qua, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được một phần thỏa thuận thương mại liên quan đến sở hữu trí tuệ, dịch vụ tài chính và mua bán nông sản.
Ngay sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng thông báo tin vui rằng cả hai có thể hoàn thành thỏa thuận bằng văn bản trong vòng 5 tuần tới. Ngoài ra ông Trump cho biết đã trì hoãn vô thời hạn ngày tăng thuế lên 250 tỷ USD hàng Trung Quốc mà trước đó đã công bố thực hiện vào ngày 15/10.
Thị trường tỏ ra lạc quan hơn rất nhiều sau khi cả hai nước này đi đến một thỏa thuận thương mại sau 13 vòng đàm phán kể từ tháng 7/2018 khi thương chiến chính thức diễn ra. Thị trường cũng kỳ vọng trong tương lai có thể hai bên sẽ tiếp tục có những bước tháo gỡ những gì còn đang khó giải quyết.
Về tình hình Brexit, Thủ tướng Anh Borish Johnson dường như đã đạt được đồng thuận từ Thủ tướng Cộng hòa Ireland Leo Varadkar về những điều ông đề ra đối với Brexit. Tuy nhiên, ông Johnson hiện tại vẫn đang gặp nhiều thách thức khi phía Liên minh Châu Âu EU chưa đồng ý với những điều này, và hiện tại đang có những ý kiến đối lập xuất hiện ngay trong nội bộ Chính phủ Anh.
Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ Fed tuần qua công bố biên bản cuộc họp chính sách tháng 9, cho thấy Fed có lo lắng về việc kinh tế Mỹ giảm tốc, tuy nhiên cũng nhận định thị trường đang kỳ vọng lãi suất được hạ thấp hơn so với mức mà Fed cho là hợp lý.