Tọa đàm Góp ý Nghị định giao dịch bảo đảm: Chặt chẽ mới mong hiệu quả
Xử lý nợ xấu: Phải đảm bảo quyền xử lý TSBĐ cho ngân hàng | |
Hoạt động xử lý TSBĐ chưa nhận được sự hỗ trợ cần thiết và đầy đủ | |
Quyền xử lý tài sản bảo đảm dưới góc nhìn kinh tế |
“Trong hoạt động cấp tín dụng, quan trọng nhất là kiểm soát rủi ro. Dự thảo hai Nghị định về giao dịch bảo đảm sẽ góp phần quan trọng trong tháo gỡ vấn đề này. Bởi vậy, phải đưa ra những quy định thật sự chắc chắn và thấu đáo vì đây là túi tiền của DN. Không thể nói rộng, nói thoáng, nói bay bổng được”, bà Nguyễn Chi Lan, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) nhấn mạnh như vậy tại Tọa đàm Góp ý dự thảo 02 Nghị định về giao dịch bảo đảm do Cơ quan thường trực phối hợp với Uỷ ban Chính sách thuộc Hiệp hội Ngân hàng tổ chức ngày 21/12.
Vướng mắc nhất trong lĩnh vực giao dịch bảo đảm là nhà ở hình thành trong tương lai |
Ông Nguyễn Toàn Thắng, nguyên Phó Thống đốc NHNN, Tổng thư ký Hiệp hội NH cho rằng: Nhìn chung Dự thảo Nghị định đã hướng dẫn tương đối đầy đủ các nội dung quan trọng của Bộ Luật Dân sự 2015 (BLDS) về giao dịch bảo đảm, tạo hành lang pháp lý và cơ chế cụ thể cho hoạt động nhận, quản lý và xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) của các chủ thể dân sự nói chung và các TCTD nói riêng. Dự thảo đã khắc phục được một số hạn chế, bất cập pháp luật về giao dịch bảo đảm hiện hành; Sửa đổi, bổ sung các quy định về xử lý TSBĐ nhằm hoàn thiện cơ chế xử lý TSBĐ, tăng cường tính chủ động bên nhận bảo đảm.
Riêng Dự thảo Nghị định quy định các biện pháp thi hành Bộ Luật Dân sự về giao dịch bảo đảm (Nghị định 1) trong tay chúng tôi là 29 vấn đề - ông Thắng cho biết. Còn với Dự thảo Nghị định về đăng ký biện pháp bảo đảm (Nghị định 2), tuy ít ý kiến góp ý hơn nhưng cũng còn 15 vấn đề được nêu ra. Điều này cho thấy các TCTD thực sự gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến giao dịch bảo đảm.
Theo ông Thắng, nguyên nhân không chỉ nằm ở Dự thảo của hai Nghị định còn những vấn đề cần làm rõ, mà còn ở phía các văn bản pháp lý liên quan, thậm chí là các luật khác ngoài Bộ Luật Dân sự cũng như thực tiễn phức tạp khi thực hiện các quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm.
Gần 60 phút chia sẻ những trăn trở của Ban soạn thảo hai Nghị định mới, bà Nguyễn Chi Lan bày tỏ đây là giai đoạn cao điểm của Bộ Tư pháp cũng như Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm trong việc hoàn thiện hai Nghị định này. Bộ cũng đã có công văn trình lên Văn phòng Chính phủ xin lùi thời hạn hoàn thiện, dự kiến trình Chính phủ vào ngày 20/1/2017.
Đối với hai Nghị định này, ý kiến từ các TCTD - đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của hai Nghị định là vô cùng quan trọng. Bởi theo đại diện Ban soạn thảo, không ai nắm rõ thực tế bằng chính các tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp các quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm. Bà Lan cũng cho rằng, Bộ Luật Dân sự là luật chung, muôn hình vạn trạng trường hợp. Nên để giải quyết những khó khăn tồn tại, chức năng của hai Nghị định này là đúng nhưng thẩm quyền phải hết sức cân nhắc và thấu đáo.
Tại hội thảo, các đại biểu đều đồng quan điểm rằng vướng mắc nhất trong lĩnh vực giao dịch bảo đảm là nhà ở hình thành trong tương lai, nhà ở có sẵn mà chưa có giấy tờ và vấn đề thu giữ là những vấn đề trăn trở nhất, tâm tư nhất.
Một nguyên nhân được đề cập trong vướng mắc với quá trình thu giữ là do có quá nhiều cách hiểu, và không ít người hiểu sai. Đại diện Ban soạn thảo nghị định nêu lên một thực tế: Nhiều người vẫn hiểu thu giữ là biện pháp xử lý TSBĐ, nhưng chúng tôi cho rằng hiện nay Bộ Luật Dân sự đưa ra 4 phương thức xử lý TSBĐ. Đó là bán đấu giá, tự bán, nhận chính TSBĐ và các phương thức khác. Mọi người phải hiểu rằng đầu vào của 4 phương thức này là phải có tài sản. Vậy nếu không có cơ chế thu giữ thì sẽ không có đầu vào cho 4 phương thức xử lý đó. Phần đông bị hút vào bảo vệ bên yếu thế mà quên mất chức năng của giao dịch bảo đảm.
Tọa đàm cũng ghi nhận khá nhiều ý kiến đóng góp trực tiếp từ các TCTD. Đại diện đến từ NCB trong rất nhiều kiến nghị có nhắc tới khoản 1 Điều 2 (Nghị định 1). Theo vị này, Bộ Luật Dân sự quy định khá đóng khi chỉ quy định 9 biện pháp bảo đảm. Ông này cho rằng các bên có thể thoả thuận những biện pháp bảo đảm khác theo đúng pháp luật, không nhất thiết phải là 9 biện pháp bảo đảm chốt cứng.
Giải thích rõ thêm về điều này, đại diện Ban soạn thảo Nghị định nhận thấy nó liên quan tới tư duy luật pháp của mỗi quốc gia. Hiện nay, trong Bộ Luật Dân sự 2015 đã mặc định theo quy định của pháp luật, chỉ công nhận 9 biện pháp đó là biện pháp bảo đảm.
Hay tại Điều 3 (Nghị định 1) cũng có kiến nghị xem xét lại quy định: “Tài sản hình thành trong tương lai không bao gồm quyền sử dụng đất”. Vì thực tế đa số quyền sở hữu tài sản trên đất gắn liền với quyền sử dụng đất, nếu quy định như trên sẽ gây nhiều khó khăn cho khách hàng có nhu cầu vay vốn thế chấp chính tài sản hình thành trong tương lai và tài sản gắn liền với đất.
Dành nguyên một ngày để thảo luận các vấn đề xung quanh dự thảo nghị định có lẽ vẫn là chưa đủ. Song tọa đàm thực sự đã ghi nhận được nhiều ý kiến quý báu góp phần vào việc hoàn thiện hai nghị định này. Một số vấn đề cũng được các bên gửi tới kiến nghị như thủ tục, điều kiện chuyển nhượng và xử lý TSBĐ đối với các dự án bất động sản chưa đủ điều kiện chuyển nhượng theo quy định tại Điều 49 Luật Kinh doanh bất động sản.
Hay đề nghị bổ sung thêm các trường hợp xử lý TSBĐ mà bên bảo đảm là cá nhân bị phạt tù, bỏ trốn khỏi địa phương, bị chết, mất tích... hoặc là tổ chức nhưng chưa có người đại diện theo pháp luật do tổ chức lại DN. Xử lý TSBĐ là dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp; bổ sung thêm phương thức xử lý TSBĐ theo quy định mà pháp luật không cấm...