Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 2-4/5
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 3/5 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 2/5 | |
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 22-26/4 |
Tổng quan
CPI tháng 4/2019 tăng 0,31% so với tháng trước, do việc tăng giá xăng dầu, giá điện. Đây là mức tăng khá cao nếu so với mức giảm 0,21% của tháng 3/2019, cũng như so với mức tăng nhẹ 0,08% của tháng 4 năm ngoái và không tăng của tháng 4 năm 2017.
CPI tháng 4/2019 tăng 1% so với tháng 12/2018; tăng 2,93% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2019 tăng 2,71% so với cùng kỳ năm 2018 - mức tăng bình quân 4 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Trong tháng 4/2019, có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng. Trong đó, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất 4,29%, chủ yếu do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 2/4 và 17/4, tác động làm CPI chung tăng 0,41%. Giá vé tàu hỏa tăng 2,76% do nhu cầu đi lại vào dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ và nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
Hai nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm là hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,57%; trong đó, lương thực giảm 0,39% chủ yếu do giá gạo xuất khẩu giảm; thực phẩm giảm 0,87% do giá hầu hết các mặt hàng trong nhóm giảm. Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,07%.
Lạm phát cơ bản tháng 4/2019 tăng 0,09% so với tháng trước và tăng 1,88% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng đầu năm nay tăng 1,84% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.
Dù lạm phát được cho là đang được kiểm soát tốt trong những tháng đầu năm, tuy nhiên nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng vẫn phải thận trọng với mục tiêu kiểm soát lạm phát của năm nay.
Trong 8 tháng còn lại của năm 2019, nhất là các tháng trong quý II, giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu có xu hướng biến động khó lường, khó dự báo; một số mặt hàng do Nhà nước định giá đang trong quá trình rà soát, đánh giá, xem xét điều chỉnh theo lộ trình.
Hơn nữa, việc điều hành giá được dự báo sẽ gặp nhiều thách thức khi có nhiều yếu tố biến động bất thường do thiên tai, bão lũ cũng như rủi ro về thị trường và biến động địa chính trị, tài chính quốc tế có thể xảy ra.
Về thương mại, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 4/2019 ước tính đạt 19,9 tỷ USD, giảm 12,6% so với tháng trước, nhưng tăng 7,5% so với tháng 4/2018. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 6,12 tỷ USD, giảm 4,8% (tăng 9,8% so với tháng 4/2018); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 13,78 tỷ USD, giảm 15,7% (tăng 6,6% so với tháng 4/2018).
Tính chung 4 tháng đầu năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 78,76 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 23,33 tỷ USD, tăng 10,5%, chiếm 29,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 55,43 tỷ USD, tăng 4%, chiếm 70,4% (tỷ trọng giảm 1,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2018).
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 4/2019 ước tính đạt 20,6 tỷ USD, giảm 2,6% so với tháng trước nhưng tăng 17,6% so với tháng 4/2018. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,8 tỷ USD, tăng 18,5% so với tháng 4/2018; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 11,8 tỷ USD, tăng 17% so với tháng 4/2018.
Một số mặt hàng có kim ngạch tăng cao so với cùng kỳ năm trước là ô tô tăng 65,1%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 46,4%; sản phẩm chất dẻo tăng 25,5%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 21,8%; chất dẻo tăng 13,4%.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2019, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 78,05 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 32,80 tỷ USD, tăng 14,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 45,25 tỷ USD, tăng 7,6%.
Như vậy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm 2019 ước tính đạt 156,81 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa duy trì thặng dư trong 4 tháng, nhưng chỉ đạt mức xuất siêu ước tính đạt 711 triệu USD, giảm mạnh so với mức 3,7 tỷ USD của cùng kỳ năm 2018.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ trong 3 phiên giao dịch từ 2-4/5 tuần qua, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh nhẹ qua các phiên. Chốt tuần 4/5, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.030 VND/USD, tăng nhẹ 2 đồng so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá mua giao ngay vẫn được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.200 VND/USD. Tỷ giá bán ra được niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, phiên cuối tuần ở mức 23.671 VND/USD.
Tương tự, tỷ giá liên ngân hàng giảm nhẹ trở lại trong tuần qua. Chốt tuần 4/5, tỷ giá giao dịch ở mức 23.250 VND/USD, giảm 25 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do cũng giảm trở lại trong tuần vừa qua. Kết thúc ngày 4/5, tỷ giá giảm 30 đồng ở chiều mua vào và 60 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch ở mức 23.270 - 23.290 VND/USD.
Trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng, lãi suất liên ngân hàng VND tăng mạnh trở lại ở tất cả các kỳ hạn trong 3 phiên giao dịch tuần qua. Chốt tuần 4/5, lãi suất giao dịch quanh mức: qua đêm 3,78% (+1,28 điểm phần trăm); 1 tuần 3,86% (+1,11 điểm phần trăm); 2 tuần 3,94% (+0,81 điểm phần trăm); 1 tháng 4,06% (+0,58 điểm phần trăm).
Lãi suất liên ngân hàng đối với USD tiếp tục biến động nhẹ trong tuần. Cuối tuần 4/5, lãi suất đứng ở mức: qua đêm 2,50% (không thay đổi); 1 tuần 2,58% (-0,02 điểm phần trăm), 2 tuần 2,68% (-0,01 điểm phần trăm) và 1 tháng 2,80% (-0,04 điểm phần trăm).
Thị trường mở trong 3 phiên giao dịch từ 2-4/5, Ngân hàng Nhà nước đều đặn chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố vẫn với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4,75%. Các tổ chức tín dụng hấp thụ được 515 tỷ đồng. Trong tuần có 306 tỷ đồng đáo hạn.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 209 tỷ đồng ra thị trường, đưa khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố lên mức 515 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước không chào thầu tín phiếu trong tuần qua, trong tuần cũng không có tín phiếu đáo hạn. Khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường duy trì ở mức 49.999 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu trong tuần, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 2.700/11.501 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (tỷ lệ trúng thầu 23%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được toàn bộ 1.500 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 5 năm và 30 năm huy động được 100/500 tỷ đồng đối với mỗi kỳ hạn, kỳ hạn 15 năm huy động được 1.000/1.500 tỷ đồng.
Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn từ 5 năm đến 30 năm lần lượt tại 3,7%/năm; 4,72%/năm; 5,06%/năm và 5,85%/năm - không biến động so với phiên có khối lượng trúng thầu gần nhất.
Trên thị trường thứ cấp, giá trị giao dịch Outright và Repos trung bình tuần qua đạt khoảng 8.900 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh so với mức trung bình 12.900 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó.
Chốt phiên 4/5, lợi suất trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp ít biến động so với tuần trước đó. Cụ thể, các mức lợi suất trái phiếu Chính phủ giao dịch quanh 1 năm 3,2%; 2 năm 3,42%; 3 năm 3,55%; 5 năm 3,86%; 7 năm 4,19%; 10 năm 4,73%.
Thị trường chứng khoán chỉ giao dịch 2 phiên trong tuần sau kỳ nghỉ lễ nên các chỉ số không biến động lớn, khối lượng giao dịch ở mức thấp. Phiên cuối tuần 3/5, VN-Index đứng ở mức 974,14 điểm, giảm nhẹ 5,50 điểm (-0,56%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index giảm 0,59 điểm (-0,55%), xuống mức 106,87 điểm; UPCOM-Index giảm 0,46 điểm (-0,82%) xuống 55,77 điểm.
Thanh khoản thị trường tương đương tuần trước đó với giá trị giao dịch trên 3.600 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại mua ròng nhẹ gần 96 tỷ đồng trên cả 3 sàn qua 2 phiên trong tuần.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung và cuộc họp Fed là những tin tức thị trường quan tâm nhất trong tuần vừa qua. Đàm phán Mỹ - Trung được các nhà đại diện thương mại của hai bên cho biết đạt kết quả khả quan, song cả hai bên đều chưa công bố các thông tin chi tiết. Mỹ sẽ đón đoàn làm việc của Trung Quốc tại Washington để tiếp tục đàm phán vào ngày 8/5 tuần này.
Tại Mỹ, Fed không thay đổi lãi suất chính sách và cho biết kinh tế Mỹ đang phát triển tốt, lạm phát dưới mức mục tiêu chỉ là áp lực tạm thời. Kinh tế Mỹ trong tuần đón các thông tin trái chiều, nổi bật là thị trường lao động với tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục.
Tại châu Âu, GDP quý I/2019 của Eurozone tăng trưởng cao hơn so với dự báo, tốc độ tăng lạm phát cũng được cải thiện trong tháng 4.
Ngân hàng Trung ương Anh BoE tuần qua cũng duy trì mức lãi suất chính sách hiện tại, dự báo GDP Anh giảm tốc trong quý II. Lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực dịch vụ của Anh cùng mở rộng trong tháng 4, tuy nhiên biên độ mở rộng còn ở mức khiêm tốn.