Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 7-11/1
TIN LIÊN QUAN | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 10/1 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 9/1 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 8/1 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 7/1 |
Tổng quan
Tuần vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2019 và ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 8/1/2019 về việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng năm 2019.
Năm 2018 được Chính phủ ghi nhận là năm Ngân hàng Nhà nước đã điều hành thành công chính sách tiền tệ. Những thành tựu đáng kể bao gồm:
Thứ nhất, kiểm soát lạm phát và neo giữ kỳ vọng lạm phát ở mức thấp. Năm 2018, lạm phát cơ bản duy trì ổn định, bình quân khoảng 1,48% (năm 2016 là 1,83%, năm 2017 là 1,41%); lạm phát bình quân được kiểm soát ở mức 3,54%.
Thứ hai, về cơ bản, điều hành chính sách tiền tệ đã giữ mặt bằng lãi suất khá ổn định. Trong bối cảnh nhiều yếu tố tác động mạnh khiến hầu hết các nước đều phải tăng lãi suất thì việc giữ được ổn định mặt bằng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước đã là một thành công; so với các nước châu Á khác có trình độ phát triển tương đồng như Bangladesh (9,54%), Indonesia (11,07%), Myanmar (13%), Mông Cổ (20%) thì lãi suất Việt Nam chỉ ở mức trung bình.
Thứ ba, tỷ giá biến động không lớn. Ngân hàng Nhà nước đã điều hành và thực thi chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, từng bước theo lộ trình với truyền thông bài bản; Sự ổn định và cải thiện của các nền tảng kinh tế vĩ mô cũng góp phần ổn định giá trị đồng Việt Nam; Nguồn cung USD trên thị trường ngoại tệ duy trì ổn định; Dự trữ ngoại hối ở mức cao cho phép Ngân hàng Nhà nước có thể ổn định cung - cầu ngoại tệ, bình ổn tỷ giá khi cần thiết.
Thứ tư, tín dụng tăng trưởng hợp lý đi đôi với chất lượng, hiệu quả và được phân bổ phù hợp. Tăng trưởng tín dụng đến 31/12/2018 đạt 14%; tốc độ tăng giảm dần so với các năm trước đó (năm 2016 là 18,25%, 2017 là 18,24%) trong khi tốc độ tăng trưởng GDP cải thiện vững chắc, tương ứng là 6,21%; 6,8% và năm 2018 đạt 7,08%.
Thứ năm, công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu được triển khai mạnh mẽ và đạt được kết quả tích cực, theo đúng lộ trình, kế hoạch, đảm bảo ổn định, an toàn, lành mạnh hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định cho phép 3 ngân hàng (VCB, VIB và OCB) được áp dụng trước thời hạn các quy định về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, chuẩn mực Basel II phương pháp tiêu chuẩn và đang xem xét áp dụng với 5 tổ chức tín dụng khác, hướng tới năm 2020 sẽ có ít nhất 12-15 tổ chức tín dụng áp dụng thành công Basel II.
Công tác xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đã đạt được kết quả tích cực, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng giảm, cả nợ xấu nội bảng, nợ xấu tồn đọng ở Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu.
Sang năm 2019, ngành Ngân hàng sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:
Thứ nhất, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2019 bình quân dưới 4%; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Năm 2019, định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%; tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Thứ hai, tiếp tục triển khai tích cực Đề án Cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020, trong đó, tập trung xử lý hiệu quả các tổ chức tín dụng yếu kém. Phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%; tỷ lệ nợ xấu và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu (bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý, nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu khác) dưới 5%.
Thứ ba, tập trung triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, giảm dần tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt trong nền kinh tế.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ tuần từ 7 - 11/1, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng - giảm nhẹ qua các phiên. Chốt tuần 11/1, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 22.835 VND/USD, tăng 6 đồng so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá mua giao ngay được Ngân hàng Nhà nước duy trì niêm yết ở mức 23.200 VND/USD. Tỷ giá bán ra được niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, phiên cuối tuần ở mức 23.470 VND/USD.
Tỷ giá liên ngân hàng tiếp tục được giao dịch xung quanh tỷ giá mua của Ngân hàng Nhà nước trong tuần vừa qua. Chốt tuần 11/1, tỷ giá giao dịch ở mức 23.199 VND/USD, giảm nhẹ 1 đồng so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do cũng ít biến động trong tuần vừa qua. Kết thúc ngày 11/1, tỷ giá không thay đổi ở chiều mua vào trong khi tăng 30 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch ở mức 23.200 VND/USD - 23.250 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần vừa qua, lãi suất liên ngân hàng VND không xác định rõ xu hướng, tăng giảm luân phiên qua các phiên ở tất cả các kỳ hạn. Chốt tuần 11/1, lãi suất giao dịch quanh mức: qua đêm 4,48% (-0,15 điểm phần trăm); 1 tuần 4,60% (-0,10 điểm phần trăm); 2 tuần 4,76% (-0,04 điểm phần trăm); 1 tháng 4,98% (+0,04 điểm phần trăm).
Trong khi đó, lãi suất liên ngân hàng đối với USD tăng ở hầu hết các kỳ hạn nhưng giảm nhẹ ở kỳ hạn 1 tháng trong tuần qua. Phiên cuối tuần 11/1, lãi suất đứng ở mức: qua đêm 2,54% (+0,03 điểm phần trăm); 1 tuần 2,64% (+0,06 điểm phần trăm), 2 tuần 2,71/% (+0,06 điểm phần trăm) và 1 tháng 2,84% (-0,01 điểm phần trăm).
Thị trường mở tuần từ 7 - 11/1, Ngân hàng Nhà nước tăng chào thầu trên kênh cầm cố lên mức 48.000 tỷ đồng, đều với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất không thay đổi ở mức 4,75%. Các tổ chức tín dụng hấp thụ được 47.853 tỷ đồng.
Trong tuần có 57.638 tỷ đồng đáo hạn. Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng 9.785 tỷ đồng từ thị trường thông qua nghiệp vụ cầm cố trong tuần vừa qua, đưa khối lượng lưu hành trên kênh này giảm xuống mức 47.853 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu trong tuần, Kho bạc Nhà nước gọi thầu 8.500 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn từ 7 năm đến 30 năm. Trong đó, kỳ hạn 10 năm và 15 năm huy động được toàn bộ khối lượng gọi thầu.
Lãi suất trúng thầu từng kỳ hạn lần lượt tại 5,01% (giảm 0,09 điểm phần trăm) và 5,3% (không thay đổi). Kỳ hạn 7 năm chỉ huy động được 50/500 tỷ đồng gọi thầu, trong khi kỳ hạn 30 năm đấu thầu thất bại.
Thị trường chứng khoán tuần qua tương đối tích cực khi cả 2 chỉ số đều phục hồi khá tốt. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 11/1, VN-Index đứng ở mức 902,71 điểm, tăng 21,81 điểm (+2,48%) so với tuần trước đó; HNX-Index tăng 1,02 điểm (+1,01%), lên mức 101,87 điểm.
Tuy nhiên, thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp với giá trị giao dịch đạt trên 3.000 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục mua ròng gần 225 tỷ đồng trên cả 2 sàn trong cả tuần qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Trên thị trường tài chính quốc tế, biên bản họp Fed tháng 12 cho thấy các quan chức muốn một chính sách lãi suất thận trọng để hỗ trợ nền kinh tế trong nước và thế giới, tuy nhiên sẽ không có một kịch bản cố định trong cách điều hành chính sách tiền tệ của tổ chức này.
Kinh tế Mỹ liên tiếp cho thấy những kết quả không lạc quan trong tháng 12/2018. Tuy nhiên, Mỹ và Trung quốc đã có những bước tiến nhất định trong quan hệ giữa hai nước qua cuộc đàm phán thương mại 3 ngày diễn ra trong tuần vừa qua.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng có những dấu hiệu đáng quan ngại về việc tăng trưởng giảm tốc, Chính phủ nước này đang thực hiện những chính sách trên quy mô nhỏ để hỗ trợ nền kinh tế.
Tại Anh, nội bộ nước này đang có sự chia cắt sâu sắc vì bản dự thảo Brexit của Thủ tướng Theresa May. Một cuộc bỏ phiếu đã diễn ra trong tuần vừa qua với phần thắng thuộc về Quốc hội, phần nào sẽ gây áp lực lên nữ Thủ tướng Anh và làm vị thế quyền lực của bà bị thu hẹp.
Chứng khoán thế giới, giá vàng và giá dầu đều tăng trong tuần vừa qua nhờ kết quả của cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung.